Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

BÀI THU HOẠCH BỒI DƯỠNG CBQL THEO DỰ ÁN VIỆT NAM - NAMSINGAPO

PHÒNG GD&ĐT YÊN DŨNG CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-H ạnh phúc


BÀI THU HOẠCH
BỒI DƯỠNG CBQL THEO DỰ ÁN VIỆT NAM - NAMSINGAPO.
NĂM HỌC 2009-2010


Câu1: -Những nhận thức sâu sắc nhất về khoá bồi dưỡng.
-Khoá bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam - Singapore đã cung cấp cho đội ngũ CBQL nhà trường những nhận thức, kỹ năng cơ bản về xây dựng kế hoạch chiến lược cho mỗi nhà trường, huy động các nguồn lực cho hoạt động phát triển giáo dục trường phổ thông. Cung cấp các kỹ năng về xây dựng giữ gìn văn hoá nhà trường. Giúp cho mỗi CBQL biết lãnh đạo và quản lý sự thay đổi. Đặc biệt là các kỹ năng lãnh đạo và quản lý trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
-Khoá bồi dưỡng đã giúp cho bản thân chúng tôi có nhận thức sâu sắc về tầm nhìn chiến lược của nhà trường mình đang phụ trách quản lý, thấy được rõ vai trò của người hiệu trưởng vừa là nhà lãnh đạo và là nhà quản lý.
-Nhận biết được nguồn lực để huy động phát triển nhà trường, có khả năng xây dựng được kế hoạch huy động các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển dài hạn của nhà trường có kỹ năng đề xuất một số giảI pháp huy động nguồn lực để phát triển nhà trường.
-Qua khoá bồi dưỡng đã giúp chúng tôi xác định rõ hơn về vai trò của đội ngũ đối với sự phát triển của nhà trường, đặc biệt là vai trò của người hiệu trưởng trong việc phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay và trong tương lai, biết cách tạo động lực cho mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường làm việc đạt hiệu quả cao.
-Qua thời gian tập huấn chúng tôi đã nhận thức sâu sắc được một vấn đề để xây dựng được một nhà trường có chất lượng giáo dục toàn diện trước hết bản thân mỗi hiệu trưởng phải luôn luôn tìm tòi sáng tạo, phải thay đổi phương pháp lãnh đạo và quản lý sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường và theo kịp sự phát triển của xã hội.
Câu 2: Liên hệ thực tế quản lý của bản thân ở cơ sở.
1/ Công tác hoạch định và xây dựng kế hoạch.
Bản thân chúng tôi đã tham gia công tác lãnh đạo và quản lý nhà trường trong nhiều năm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc xây dựng kế hoạch.
- Ở bậc THCS chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chiến lược 5 năm, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học, trong năm học lại có kế hoạch tác nghiệp của từng lĩnh vực hoạt động, từng kỳ học, tháng học, tuần học như: Kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, kế hoạch xây dựng bổ xung cơ sở vật chất, kế hoạch phổ cập GDTHCS; kế hoạch phối hợp 3 môi trường giáo dục…vv…
- Việc xây dựng kế hoạch được tiến hành cụ thể, chính xác thì việc thực hiện sẽ có hiệu quả cao.
- Sau khi dự thảo, kế hoạch hoạt động chung của nhà trường trong năm học sẽ được thảo luận tại hội nghị từ cấp tổ chuyên môn, thống nhất, bổ xung chỉ tiêu giải pháp. Tiếp tục thảo luận ở hội nghị CB-CC nhà trường và đi đến thực hiện.
2/ Triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch.
-Kế hoạch hoạt động phát triển giáo dục của nhà trường sẽ được triển khai rộng rãi đến toàn thể CB-GV nhà trường, các em học sinh và phụ huynh học sinh năm được để cùng tham gia, phối hợp thực hiện.
-Tổ chức phân công nhiệm vụ cho từng thành viên nhà trường một cách phù hợp, tạo điều kiện để mỗi thành viên phát huy tốt nhất sở trường công tác của mình.
-Tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo thực hiện theo chương trình khung có sự điều chỉnh, bổ xung phù hợp với tình hình thực tế nhà trường, học sinh.
-Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại trường về kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nhận thức, phẩm chất đạo đức nhà giáo… như việc tổ chức kiểm tra nhận thức của giáo viên hàng tháng, tổ chức thi GVDG cấp trường, thi làm, cải tiến và sử dụng TBDH. Tổ chức các chuyên đề cung cấp cho CBGV các thông tin về tình hình phát triển chung của ngành, các văn bản pháp qui, dưới luật… để giáo viên năm và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
-Phối hợp với các đoàn thể nhà trường, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả cao các phong trào thi đua và các cuộc vận động trong năm học do ngành phát động.
-Phát huy tốt vai trò của đoàn thể Công Đoàn nhà trường làm tốt công tác động viên CBGV phát huy tốt vai trò, sở trường cá nhân, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
-Tạo điều kiện, cung cấp về nguồn lực, vật lực, kinh phí, thời gian để cho CBGV nhà trường tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn đào tạo và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
-BGH nhà trường thường xuyên chủ động dự giờ thăm lớp, chia sẻ gần gũi với giáo viên trên mọi lĩnh vực hoạt động như kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức kỹ năng đời sống xã hội, hoàn cảnh gia đình để CBGV yên tâm công tác, phấn đấu, tận tâm vì sự nghiệp, gắn bó với trường, lớp.
-Duy trì và tổ chức phong phú các hoạt động ngoài giờ lên lớp vào dịp khai giảng năm học mới, 20/11, 22/12; 26/3, 19/5… hàng năm để học sinh có thêm các kỹ năng sống, chủ động tham gia các hoạt động xã hội.
-Hiệu trưởng chủ động tích cực tham mưu với lãnh đạo địa phương, làm tốt công tác XHH giáo dục với các ban ngành, hội phụ huynh học sinh nhà trường để tăng cường các nguồn lực cho giáo dục nhà trường, cơ sở vật chất nhà trường được trang bị thêm, cảnh quan sư phạm nhà trường được đảm bảo xanh-sạch-đẹp. Môi trường giáo dục của nhà trường có sự thay đổi.
-Chủ động và thường xuyên làm tốt công tác động viên khen thưởng trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường.
3/ Tổ chức kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.
-Song song với việc tổ chức thực hiện kế hoạch là việc kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch. Mục đích của kiểm tra là để phát hiện nhân tố tốt phát triển học tập trong tập thể, bên cạnh đó phát hiện những dấu hiệu vi phạm thì kịp thời có giải pháp điều chỉnh, sửa chữa.
-Kiểm tra là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của người hiệu trưởng, nếu không có kiểm tra thì sẽ không có quản lý.
-Hiệu trưởng tổ chức phân công và xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, hàng tháng, tuần cụ thể.
-Tổ chức kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề tập trung cao vào các chuyên đề như: Dạy và học; sử dụng TBDH, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, giáo dục đạo đức học sinh; Bồi dưỡng chuyên môn… thông qua các hình thức kiểm tra báo trước và kiểm tra thường xuyên đột xuất trực tiếp.
4/ Tổng kết đánh giá, bài học kinh nghiệm.
-Tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch của cả năm học, sơ kết với các hoạt động tác nghiệp khác. trên cơ sở đó chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, bài học kinh nghiệm và biện pháp khắc phục cho thời gian tới.
Câu 3: Đề xuất chương trình quản lý nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
-Với nhận thức thu nhận được từ khoá bồi dưỡng hiệu trưởng vừa qua, Cộng với vốn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý nhà trường trong những năm học vừa qua bản thân tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường như sau:
1/ Phải xác định được sứ mạng, giá trị, tầm nhìn, mục tiêu của nhà trường trong thời gian trước mắt, dài hạn, từ đó xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động phù hợp với tầm nhìn chiến lược của nhà trường.
2/ Tổ chức bộ máy của nhà trường hoạt động có hiệu quả, quan tâm đến sự phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên, có kế hoạch qui hoạch, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên, nhân viên một cách hợp lý để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của nhà trường.
3/ Quản lý thực hiện nghiêm túc chương trình giảng dạy theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế ở lớp và nhà trường tạo điều kiện để học sinh phát huy tốt tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh.
4/ Tổ chức thực hiện tốt phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không”; “ Mỗi Thày cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp giúp cho học sinh có điều kiện rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng thực hành giao tiếp…
5/ Tích cực tham mưu, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường. Xây dựng kế hoạch và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài sản, trang thiết bị phục vụ cho công tác đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
6/ Đổi mới, cải tiến qui trình hoạt động của BGH nhà trường, quan tâm lắng nghe, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, chắt lọc để phục vụ cho công tác quản lý nhà trường. Tổ chức duy trì, quản lý các loại hồ sơ nhà trường đảm bảo đúng qui định.
7/ Tổ chức các phong trào thi đua trong nhà trường đảm bảo lành mạnh, kịp thời động viên, khích lệ, trân trọng các thành tích của giáo viên và học sinh. Quan tâm chăm lo đời sống cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để CBGV yên tâm công tác, phát huy sở trường và năng lực chuyên môn của mình. Xây dựng môi trường giáo dục nhà trường “ Đoàn kết-Thân thiện- an toàn”
8/ Xây dựng được hệ thống thông tin đa chiều phục vụ cho hoạt động dạy học, giáo dục có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học.
9/ Hiệu trưởng duy trì và thực hiện việc đánh giá kết quả các mặt hoạt động của nhà trường đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng. Thường xuyên tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin phản hồi để trao đổi, tư vấn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Trên đây là một số giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường trong thời gian tới. Kính mong nhận được sự góp ý của các đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo ngành giáo dục để giúp cho công tác quản lý của tôi đạt hiệu quả cao hơn.